Không ít chị em phụ nữ phải đối mặt với tình trạng rối loạn kinh nguyệt hậu covid như chu kỳ bất thường, thay đổi lượng máu kinh. Hiện tượng này tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ sinh sản? Tìm hiểu ngay thông tin nguyên nhân, tác hại và biện pháp khắc phục tình trạng này qua bài đăng sau đây!
Tình trạng rối loạn kinh nguyệt hậu Covid
Rối loạn kinh nguyệt là rối loạn liên quan tới chu kỳ kinh nguyệt với biểu hiện bất thường về thời gian hành kinh, lượng máu kinh, màu sắc hoặc độ dài kỳ kinh. Cụ thể:
- Thay đổi thời gian chu kỳ kinh nguyệt: Kinh nguyệt đến sớm, đến muộn hoặc thậm chí là vô kinh (không có kinh).
- Thay đổi về “máu” kinh: Lượng máu kinh ra nhiều hoặc ít hơn bình thường, máu kinh vón cục hoặc thay đổi màu sắc.
- Số ngày hành kinh bất thường: Số ngày hành kinh ngắn hơn hoặc kéo dài hơn so với chu kỳ kinh thông thường.
Theo thống kê, khoảng 20-25% phụ nữ sau khi khỏi Covid-19 hoặc sau khi tiêm vaccine Covid-19 gặp tình trạng rối loạn kinh nguyệt.
Nguyên nhân gây hiện tượng rối loạn kinh nguyệt hậu Covid
- Rối loạn nội tiết tố: Covid-19 có thể gây rối loạn nội tiết tố, đặc biệt là hormone sinh dục như hormone estrogen và progesterone, dẫn đến bất thường liên quan tới chu kỳ kinh nguyệt.
- Di chứng hậu Covid: Di chứng hậu covid như rối loạn đông máu hoặc tổn thương liên quan tới não bộ có thể ảnh hưởng đến trục dưới đồi – tuyến yên (Điều khiển chu kỳ kinh)
- Tâm lý căng thẳng: Tâm lý căng thẳng, lo âu trong thời gian dài và lo lắng về di chứng hậu covid có thể tác động tiêu cực gây rối loạn nội tiết tố.
- Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc điều trị bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường có thể gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh.
Rối loạn kinh nguyệt hậu Covid có cần can thiệp điều trị không?
Tình trạng rối loạn kinh nguyệt hậu Covid thường không đáng lo và có thể tự khỏi qua vài chu kỳ kinh mà không cần can thiệp điều trị. Tuy nhiên có những trường hợp cần điều trị như:
- Tình trạng rối loạn kéo dài trên 3 chu kỳ kinh liên tiếp.
- Xuất hiện những dấu hiệu bất thường như đau bụng kinh dữ dội, kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày, máu kinh có màu khác lạ.
- Lượng máu kinh nhiều hoặc thời gian hành kinh kéo dài làm tăng nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa.
Chị em cần làm gì khi đối mặt với rối loạn kinh nguyệt hậu Covid?
Dù không phải lúc nào cũng nguy hiểm, nhưng nếu không được chăm sóc và xử lý đúng cách, tình trạng này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và chất lượng cuộc sống. Dưới đây là những biện pháp cụ thể mà chị em có thể áp dụng để cải thiện tình trạng này.
Giữ tâm lý thoải mái
Tâm lý căng thẳng và áp lực là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây rối loạn nội tiết tố, từ đó gây rối loạn kinh nguyệt hậu COVID. Vì vậy, chị em cần chú trọng nâng cao “sức khỏe tinh thần” bằng cách:
- Tham gia các hoạt động giải trí: Nghe nhạc, đọc sách hoặc trò chuyện cùng bạn bè để giải tỏa áp lực tâm lý
- Thư giãn, xả stress: Áp dụng các phương pháp như thiền, yoga hoặc bài tập hít thở sâu để cân bằng tâm lý.
- Duy trì luồng suy nghĩ tích cực: Tập trung vào những điều tích cực trong cuộc sống sẽ giúp cơ thể nhanh hồi phục hơn sau Covid-19.
Nghỉ ngơi hợp lý
Cơ thể cần thời gian để phục hồi sau khi “chiến đấu” với COVID. Việc nghỉ ngơi đầy đủ không chỉ giúp cải thiện sức khỏe tổng thể mà còn hỗ trợ giúp ổn định chu kỳ kinh nguyệt:
- Ngủ đủ giấc: Ngủ ít nhất 7-8 giờ mỗi đêm, duy trì giấc ngủ sâu giúp cơ thể tái tạo năng lượng và hỗ trợ cân bằng hormone.
- Tránh làm việc quá sức: Sau khi khỏi bệnh, chị em nên hạn chế các hoạt động nặng nhọc để cơ thể không bị suy kiệt.
Tăng cường dinh dưỡng
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng giúp cân bằng nội tiết tố và cải thiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt, chị em nên:
Tăng cường bổ sung các nguồn thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất:
- Vitamin A, B, C, E: Có nhiều trong rau xanh, trái cây, các loại hạt.
- Magie và canxi: Hỗ trợ cân bằng hormone, có trong sữa chua, hạnh nhân và các loại hải sản.
- Uống đủ nước: Duy trì uống tối thiểu 2 lít nước mỗi ngày để hỗ trợ tuần hoàn máu và cải thiện sức khỏe làn da.
- Hạn chế hoặc nói không với thực phẩm không lành mạnh: Hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn và nước ngọt có ga tránh nguy cơ mất cân bằng nội tiết tố.
Hạn chế sử dụng rượu, bia và các chất kích thích
Các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá không chỉ làm tăng nguy cơ rối loạn nội tiết mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe sinh sản và sức khỏe của làn da. Vì vậy nên hạn chế hoặc nói không với các chất kích thích này để cơ thể nhanh chóng phục hồi hậu COVID.
Luyện tập thể thao
Tập thể dục không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn cải thiện lưu thông máu. Từ đó hỗ trợ giúp cân bằng nội tiết tố và điều hoà chu kỳ kinh nguyệt, chị em nên:
- Chọn các bài tập nhẹ nhàng: Yoga, đi bộ, đạp xe hoặc bơi lội
- Thời gian tập luyện hợp lý: Dành 15-30 phút mỗi ngày để tập luyện, tránh tập luyện với cường độ cao trong giai đoạn hồi phục.
Vệ sinh vùng kín đúng cách
Trong những ngày hành kinh, việc giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ là yếu tố quan trọng giúp phòng tránh nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa.
- Thay băng vệ sinh thường xuyên: Nên thay băng vệ sinh sau mỗi 4-6 giờ để đảm bảo vệ sinh cho “vùng kín”.
- Sử dụng sản phẩm phù hợp: Chọn các sản phẩm vệ sinh có thành phần tự nhiên, không chứa hóa chất gây kích ứng.
- Vệ sinh nhẹ nhàng: Rửa vùng kín bằng nước sạch hoặc dung dịch vệ sinh chuyên dụng, không thụt rửa âm đạo.
Thăm khám chuyên khoa khi cần thiết
Nếu tình trạng rối loạn kinh nguyệt kéo dài trên 3 chu kỳ liên tiếp hoặc xuất hiện các dấu hiệu bất thường, chị em nên tiến hành thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và hỗ trợ điều trị kịp thời:
- Chẩn đoán nguyên nhân: Bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm cần thiết để xác định nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt bất thường.
- Điều chỉnh nội tiết tố: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc hoặc hướng dẫn sử dụng liệu pháp hormone để điều hoà nội tiết tố.
Rối loạn kinh nguyệt hậu Covid là tình trạng phổ biến thường không đáng lo tuy nhiên nếu kéo dài hoặc xuất hiện dấu hiệu bất thường chị em nên thăm khám, điều trị sớm. Điều chỉnh lối sống, dinh dưỡng và duy trì tâm lý thoải mái là những tips hữu hiệu giúp cải thiện chu kỳ kinh nguyệt và nâng cao sức khỏe tổng thể.